HOẠT ĐỘNG CÁC CÂU LẠC BỘ HOẠT ĐỘNG CÁC CÂU LẠC BỘ

Nhà văn hóa xã, hay mô hình nhà sinh hoạt cộng đồng ấp là một thiết chế văn hóa cơ sở, là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, giao lưu, trao đổi và tiếp nhận thông tin của cộng đồng dân cư trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo của Nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa (xã văn hóa, ấp văn hóa, khu, phố văn hóa và gia đình văn hóa).

Nhận thức được tầm quan trọng của Nhà văn hóa xã trong đời sống hàng ngày của cộng đồng dân cư, trong những năm qua, huyện Long Phú luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn quy hoạch đất, đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng ấp, phục vụ nhu cầu thiết thực của Nhân dân. Cho đến nay, huyện Long Phú đã xây dựng và đưa vào hoạt động 08 nhà văn hóa xã, một nhà văn hóa ấp, 17 nhà sinh hoạt cộng đồng ấp; các ấp, xã còn lại huyện đang quy hoạch đất và huy động nguồn kinh phí để xây dựng. Đặc biệt, hầu hết các nhà văn hóa xã và nhà sinh hoạt cộng đồng ấp, sau khi xây dựng xong và đưa vào sử dụng đều mang lại hiệu quả rất cao, trong đó có nhà văn hóa xã Tân Hưng.

Theo Phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Long Phú - Hồ Quốc Hùng cho biết: “Các nhà văn hóa xã trên địa bàn huyện Long Phú khi đưa vào hoạt động đều đảm bảo các tiêu chí theo Thông tư số 06/2011/BVHTTDL, đặc biệt là các tiêu chí về diện tích, các phòng chức năng, diện tích khu thể thao, cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động trong nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân trong địa bàn”.

 

Nhà văn hóa xã Tân Hưng, hiện đang hoạt động rất hiệu quả.

 

       Điển hình như Nhà văn hóa xã Tân Hưng, cơ bản hoạt động đúng mục đích, nội dung yêu cầu của quy chế tổ chức hoạt động nhà văn hóa xã. Là một thiết chế văn hóa - giáo dục mang tính tổng hợp nên hoạt động của nhà văn hóa rất đa dạng và phong phú với nhiều nội dung và hình thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Anh Phạm Thành Mộng – cán bộ quản lý Nhà văn hóa xã Tân Hưng chia sẻ: “Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ, họp tổ, nhóm, sinh hoạt của các đoàn thể, thì nhà văn hóa còn là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ tiêu kế hoạch, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến tận người dân. Nhà văn hóa còn là nơi tổ chức các hoạt động truyền thông, hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế, tuyên truyền giáo dục về kỹ năng sống, về đạo đức, sức khỏe, giới tính, về dân số kế hoạch hóa gia đình, tổ chức gặp mặt, tọa đàm nhân kỷ niệm các ngày lễ của dân tộc cũng như của địa phương, là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, sinh hoạt thể dục thể thao của các em thiếu nhi và các cụ ông cụ bà cao niên, lành mạnh và bổ ích”.
Chú Thạch Xịa – người dân địa phương, năm nay đã ngoài 55 tuổi, chú thường xuyên đến nhà văn hóa sinh hoạt vào mỗi buổi chiều, bộ môn chú yêu thích nhất là bi sắt. Chú Xịa kể: “Từ khi có nhà văn hóa đến nay, mỗi buổi chiều tôi thường xuyên đến đây, ngoài tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ khuyến nông (IPM), tôi còn tham gia trong câu lạc bộ bi sắt, tranh thủ công việc gia đình và đồng áng, mỗi buổi chiều, tôi cùng bạn bè bắt cặp đôi đánh bi sắt từ 1 – 2 tiếng đồng hồ, sau khi về nhà tinh thần thấy thoải mái hơn nhiều, sức khỏe ngày càng dẻo dai hơn”.
      Cũng từ nhà văn hóa này đã hình thành nhiều câu lạc bộ (CLB), đa số đều hoạt động rất hữu ích như: Câu lạc bộ xe đạp, CLB dưỡng sinh, CLB bi sắt, bóng đá, bóng chuyền, tập thể dục vào mỗi buổi sáng, CLB măng non, CLB văn thơ của dự án AAV, CLB ca - múa, CLB ngũ âm… hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, ở huyện Long Phú hiện nay, ngoài một số nhà văn hóa xã và nhà sinh hoạt cộng đồng ấp hoạt động hiệu quả, cũng còn một số nhà văn hóa xã hoạt động chưa đúng mục đích, các hoạt động tổ chức chưa được thường xuyên, nội dung và hình thức chưa phong phú, hiệu quả chưa cao, nên chưa thu hút mọi người, mọi đối tượng cùng tham gia, vẫn còn tình trạng nhà văn hóa xã thường xuyên “đóng cửa”.
      Thiết nghĩ, để nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng ấp thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ và phát huy có hiệu quả trong cộng đồng dân cư, thực sự là thiết chế văn hóa cần thiết đối với Nhân dân, cần có những giải pháp phù hợp, cụ thể như: Xây dựng nhà văn hóa theo các tiêu chí đã qui định, đảm bảo diện tích, có đủ các phòng chức năng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động đáp ứng nhu cầu của các hoạt động; đồng thời phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho cán bộ phụ trách nhà văn hóa xã; hướng dẫn thành lập các loại hình câu lạc bộ phù hợp với các đoàn thể và các đối tượng tại địa phương. Mặt khác, các CLB cũng cần tránh sự nhàm chán, tạo nên những nét mới mẻ, hấp dẫn, thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia. Cần tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT phù hợp với từng đối tượng, quan tâm tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho đoàn viên, thanh niên và các cháu thiếu niên trong các dịp nghỉ hè. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân mở các lớp dạy năng khiếu, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ; làm tốt công tác xã hội hóa, huy động được nguồn kinh phí để Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa xã triển khai các hoạt động đạt hiệu quả cao.
Nhà văn hóa xã ngày càng có vai trò quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng của dân cư trên địa bàn. Vì vậy, việc xây dựng nhà văn hóa xã hay nhà sinh hoạt cộng đồng ấp phải đảm bảo các tiêu chí theo quy định và tổ chức các hoạt động để có hiệu quả là rất cần thiết. Bên cạnh, cần có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể và sự năng động sáng tạo của Ban Chủ nhiệm hay cán bộ quản lý nhà văn hóa.
Bài và ảnh: Sóc Ca

Không có tin bài cũ hơn
Không có tin bài cũ hơn
Trang thông tin điện tử tổng hợp - Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số /GP Sở TTTT ngày /06/2017
Trưởng ban biên tập: Ths Lâm Hoàng Viên - GĐ Trung tâm Văn hóa
Địa chỉ: 93/15 Trương Công Định, Phường 2, Thành phố Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại : 0299.3821714 - 0299.3826768 Fax: 0299.3820308
 
Tổng lượt truy cập