HOẠT ĐỘNG CÁC CÂU LẠC BỘ HOẠT ĐỘNG CÁC CÂU LẠC BỘ

Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển các tỉnh, thành phố phía Nam và khu vực ĐBSCL, kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có nhiều loại hình quý báu, trong đó có nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ - nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của dân ca miền Trung và miền Nam. Đây là loại hình đặc sắc của vùng sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp tinh tế hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, mang những nét đặc trưng của người dân đất phương Nam.

Sóc Trăng là một trong những địa phương có phong trào ĐCTT phát triển mạnh, hoạt động ĐCTT lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, đã hình thành nhiều câu lạc bộ (CLB), nhóm ĐCTT góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương.
Trong những năm qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng đã tích cực tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) soạn thảo nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động ĐCTT, cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị hàng trăm triệu đồng, để duy trì và tổ chức hoạt động của các CLB ĐCTT trong toàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan ĐCTT, các lớp bồi dưỡng chuyên môn, in ấn và phát hành nhiều tài liệu, tư liệu về nghệ thuật ĐCTT cho các CLB góp phần hình thành môi trường văn hóa lành mạnh cho nhân dân.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 136 CLB ĐCTT với hơn 1.000 người thực hành, trong đó có gần 200 người có khả năng truyền dạy; trình độ và khả năng chuyên sâu về nghệ thuật ĐCTT cũng như những người tham gia đội, nhóm, CLB ĐCTT tại các địa phương trong tỉnh không ngừng phát triển về chất lượng và số lượng; việc mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo do hệ thống Trung tâm Văn hóa tổ chức, các lớp bồi dưỡng của tư nhân về loại hình nghệ thuật này từng bước được nhân rộng, từ đó đã không ngừng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và thực hành về nghệ thuật ĐCTT cho quần chúng nhân dân và các CLB ĐCTT trong tỉnh.

Chương trình thi diễn của đơn vị Sóc Trăng trong Liên hoan ĐCTT Nam bộ 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được vẫn còn những khó khăn nhất định trong tổ chức và hoạt động các CLB ĐCTT như: Cơ sở vật chất đảm bảo cho sinh hoạt còn hạn chế; điểm sinh hoạt chủ yếu của các CLB vẫn là tại gia đình các thành viên; chưa tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ định kỳ tại cơ sở để các CLB ĐCTT có điều kiện phối hợp phục vụ. Mặt khác, do điều kiện về kinh tế khó khăn, một số thành viên chưa nhiệt tình tham gia và cộng tác với CLB ĐCTT.

Việc vận động xã hội hóa và quan tâm đầu tư của nhà nước đối với hoạt động CLB ĐCTT là hết sức quan trọng. Hiện tại, những người có tâm huyết với dòng nghệ thuật này hầu như gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Dù có đam mê với nghề, sống dựa vào nghề để mưu sinh, nhưng để chăm chút và đầu tư chuyên sâu cho nghề vẫn còn một khoảng cách. Ông Lâm Hoàng Viên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Thực tế vừa qua cho thấy, những lớp bồi dưỡng nâng cao do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức, dù miễn học phí và thậm chí phải "bao cấp" về ăn, nghỉ, nhưng vẫn chưa thu hút và tập trung được nhiều thành viên có nghề tham gia. Việc mưu sinh đã không cho phép các thành viên tham dự lớp để nâng cao kiến thức và kỹ năng ĐCTT. Chất lượng và chiều sâu của nghệ thuật ĐCTT dường như bảo hòa. Bên cạnh những thành viên được đào tạo từ thành phố Hồ Chí Minh, kiểu "cha truyền con nối" hoặc có những thành viên "đam mê" tự mài mò để nâng cao trình độ tay nghề, đa số vẫn còn ở trình độ "tài tử": Chỉ biết đờn, ca vọng cổ và một số điệu thức 3 nam, 6 bắc, tứ đại oán. Việc tiếp cận những bài bản chuyên sâu của nghệ thuật ĐCTT vẫn còn những khoảng trống đáng kể".

Việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và nhất là hệ thống Trung tâm Văn hóa trong toàn tỉnh. Năm 2014, Bộ VHTTDL đã triển khai chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Trên cơ sở này, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tham mưu cho Sở VHTTDL xây dựng Đề án thực hiện chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2015 - 2020. Đề án được triển khai trên địa bàn tỉnh; đó cũng là điều kiện thuận lợi để hoạt động của các CLB ĐCTT trong tỉnh củng cố, duy trì và phát triển bền vững.

Thiết nghĩ, để giữ gìn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng có trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật này. Các cấp lãnh đạo tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT trong các gia đình, nhà trường, các CLB và cộng đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các "bài tổ" thông qua các hình thức sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn. Đồng thời, mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT trong cuộc sống đương đại. Hàng năm tổ chức nhiều cuộc Liên hoan nghệ thuật ĐCTT trong tỉnh và tham gia Liên hoan nghệ thuật ĐCTT cấp khu vực, toàn quốc. Mặt khác, phải có chính sách đãi ngộ, khen thưởng kịp thời cho các nghệ nhân, các địa phương có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật ĐCTT.

                                                                

Lữ Giàu

Trang thông tin điện tử tổng hợp - Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số /GP Sở TTTT ngày /06/2017
Trưởng ban biên tập: Ths Lâm Hoàng Viên - GĐ Trung tâm Văn hóa
Địa chỉ: 93/15 Trương Công Định, Phường 2, Thành phố Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại : 0299.3821714 - 0299.3826768 Fax: 0299.3820308
 
Tổng lượt truy cập